Kiếm Các văn linh – Chương 10

Chương 10

***

Một lúc lâu, Kim Bất Hoán bỗng dâng lên cảm giác ngẩn ngơ khó tả trong lòng, không nhịn được mà nghĩ: Lúc nàng hỏi “Ngươi không quay lại nhìn thử xem ta trông thế nào à”, hắn lẽ ra nên bất chấp mà quay đầu lại mới phải.

Hắn đứng thật lâu trên sườn núi, mãi sau mới quay trở lại Giáp Kim Cốc.

Dòng suối đã nhuộm sắc máu, những tu sĩ đồng hành đều ngã rạp rải rác khắp nơi trong cốc, Trần Tự vẫn nằm tại chỗ cũ, thương thế quá nặng, chưa tỉnh lại.

Kim Bất Hoán đứng bên đầm nước, đưa mắt nhìn thảm cảnh chung quanh, trong lòng chẳng sinh ra bao nhiêu lòng trắc ẩn, chỉ nghĩ: “Ai ai cũng trúng tên, đến cả Trần Tự cũng bị thương nặng hôn mê, chỉ mình ta nguyên vẹn không tổn hao gì, nếu có người hỏi tới, ta biết ăn nói sao đây?”

Ánh trăng nhàn nhạt như sương rơi trên gò má hắn, soi rọi đôi mắt phượng đẹp đẽ, nhưng lại lay động bất định.

Giờ phút này, còn đâu dáng vẻ ăn chơi lêu lổng ngày thường?

Suy nghĩ một hồi, hắn bất ngờ cúi người, rút mũi tên từ trên người một kẻ hôn mê gần đó, ướm thử chỗ này chỗ kia trên người mình, cuối cùng cắn răng, tay hạ quyết tâm, đâm sâu ba phân vào bên sườn trái!

Máu tươi lập tức nhuộm đỏ y bào.

Kim Bất Hoán xưa nay sợ đau nhất, giờ lại nghiến răng chịu đựng, qua một lúc mới nhổ mũi tên đẫm máu ra, vứt xuống đất.

Còn Chu Mãn, đã sớm rời xa nơi này.

Rời khỏi Giáp Kim Cốc, nàng còn thuận tay lục thêm mấy tu sĩ khác, gom được ít bạc vụn, lại nhặt về chiếc áo choàng từng bỏ lại.

Một mũi tên vàng khác của Trần Tự còn cắm trên áo choàng ấy.

Chỉ là mũi tên đầu tiên bắn về phía nàng khi trước, đã xuyên sâu vào rừng, khó mà tìm lại.

Nàng mang theo hai cây cung, hai mươi mũi tên, khoác lại áo choàng, men theo núi rừng mà lặng lẽ rút lui, đi về hướng đông hơn mười dặm, thân thể mới dần thả lỏng khỏi tình trạng căng như dây đàn. Cơn gió lạnh ban đêm lướt qua mặt, lúc ấy mới khiến nàng cảm nhận rõ ràng cơn đau nhức kịch liệt từ cánh tay trái truyền đến.

Mồ hôi lạnh ứa ra từng giọt.

Dưới ánh trăng mờ rọi qua kẽ lá, Chu Mãn cúi đầu nhìn vết thương, máu đã nhuộm ướt tay áo thành màu tím sẫm, vết tên ấy so với nàng tưởng còn sâu hơn nhiều, máu vẫn đang không ngừng chảy.

Với loại vết thương như thế này, nếu không xử lý thì không ổn.

Cách kỳ hẹn nửa tháng với Vi Huyền trưởng lão của Thần Đô Vương thị giờ chỉ còn chưa tới bốn ngày, nếu để người phát hiện nàng mang thương tích, khó tránh bị nghi ngờ.

Dẫu tu sĩ có thể dẫn thiên địa linh khí vào cơ thể, khả năng hồi phục vượt xa người thường, nhưng cũng chưa đủ để chữa lành hoàn toàn vết thương trong vòng bốn ngày.

Nàng cần thuốc.

Suy nghĩ giây lát, Chu Mãn đổi hướng, quay sang phía Tiểu Kiếm thành cổ.

Phố Nê Bàn tụ hội đủ hạng người mọi tầng lớp, nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an toàn nhất.

Đến ngoại thành, nàng tìm được một ngôi miếu hoang không người, như lệ thường, tháo cung tên, bọc trong áo choàng, giấu trên xà ngang miếu, rồi mới vào thành, đến thẳng phố Nê Bàn.

Cả con phố chỉ có một hiệu thuốc, nằm cuối ngã ba. Cái tên hiệu thuốc này, nói hợp thì không hẳn, mà nói không hợp lại có chút phù hợp: Bệnh Mai Quán.

Chu Mãn vừa đến đầu phố, từ xa đã thấy dưới mái ngói phía trước treo một bầu hồ lô thuốc, chính là ý “hành y tế thế”.

Giờ đã cuối canh hai, trước hiệu thuốc chẳng còn mấy bóng người.

Chỉ có dưới mái hiên ngoài cửa tiệm, lác đác vài người ăn xin bệnh tật không chốn nương thân, áo quần rách nát, mặt mày sắc bệnh, nằm co ro trên những tấm chiếu tre rách bươm.

Một tiểu đồng đang nhóm lò thuốc ngoài cửa, tay cầm quạt mo quạt lửa, trán lấm tấm mồ hôi. Vừa ngẩng đầu thấy nàng, cậu liền chỉ tay một cách thành thạo vào bên trong: “Khám bệnh kê đơn đi bên trái, lĩnh thuốc phối thuốc đi bên phải, đại phu ở trong đó.”

Chu Mãn gật đầu cảm ơn, cất bước đi vào.

Chẳng ngờ nàng vừa mới bước qua ngưỡng cửa, bên trong đã vang lên tiếng khóc nức nở.

Chu Mãn nhìn theo tiếng.

Thấy đó là một đứa trẻ chừng sáu bảy tuổi, sau đầu còn cột một búi tóc nhỏ, lúc này trông chẳng khác gì vừa gây ra chuyện lớn, đứng bên bàn chẩn mạch mà khóc òa, vừa khóc vừa lấy tay áo lau nước mắt, lau mãi cũng chẳng dứt.

Trên bàn chẩn mạch là một chú chim sẻ vàng bé tí, chưa bằng bàn tay, đầu lông xù rũ xuống, cánh dính đầy máu, đang rên rỉ yếu ớt.

Sau bàn là một nam tử trẻ tuổi.

Do hắn cúi đầu nên Chu Mãn không nhìn rõ diện mạo, chỉ thấy hắn cài một cây trâm gỗ đơn giản trên tóc, khoác đạo bào màu lam giặt đến bạc màu, thân hình cao ráo mà gầy gò quá mức, thật khiến người ta liên tưởng đến hai chữ “bệnh mai”.

Đứa nhỏ nấc nghẹn, đầy vẻ hối lỗi: “Nó… nó sắp chết rồi phải không…”

Nam tử ấy không đáp, chỉ nhẹ nhàng đưa tay nâng chú chim sẻ bé tý lên, hai tay khum lại ôm lấy nó. Giữa kẽ tay hắn, một tia linh quang mỏng manh chợt lóe lên.

Chim nhỏ lập tức ngừng kêu.

Nam tử ấy khẽ mỉm cười, giọng nói êm dịu vang lên, thanh âm trong trẻo: “Ngươi xem.”

Bàn tay gầy gò mở ra. Con chim sẻ vốn còn thoi thóp khi nãy giờ lại đã sống lại, loạng choạng đứng dậy giữa những đường vân tay mờ nhạt, đôi cánh bé xíu rung nhẹ một cái, liền vụt bay lên không trung.

Đứa trẻ lập tức kinh ngạc tròn mắt, quên cả khóc.

Nam tử trẻ tuổi cũng ngẩng đầu lên, dõi theo cánh chim bay lượn.

Lúc này, cuối cùng Chu Mãn cũng nhìn rõ diện mạo hắn: mày mi thanh thoát, thần sắc ấm áp mà hòa nhã, gương mặt hơi tái nhợt dường như mang chút bệnh khí, nhưng bởi vì khóe môi luôn nở nụ cười, lại khiến vẻ u nhã ấy biến thành một nét từ bi nhẹ nhàng.

Con chim nhỏ sống lại tỏ ra rất vui mừng, vừa vỗ cánh bay một vòng trong y quán, lại đột nhiên đáp xuống vai Chu Mãn, lắc lư cái đầu nhỏ đầy lông tơ, dùng chiếc mỏ sạch sẽ sửa sang bộ lông vàng nhạt.

Chu Mãn khẽ ngẩn ra.

Nam tử trẻ lúc này mới để ý trong y quán có khách mới tới, liền ngẩng mắt nhìn nàng.

Đứa trẻ ban nãy còn khóc đỏ cả mắt, lúc này đã vui mừng khôn tả: “Không sao rồi, nó không sao rồi!”

Chim nhỏ hót lên một tiếng, chẳng rõ là đáp lời hay chỉ đang vui vẻ.

Đứa trẻ liền đuổi theo.

Con chim nhỏ đập cánh bay khỏi vai Chu Mãn.

Đứa trẻ chạy tới tận cửa mới chợt nhớ ra điều gì, lập tức quay đầu lại, hướng về phía nam tử trẻ tuổi kia, nói to: “Cảm ơn Vương Bồ Tát!”

Nam tử trẻ tuổi bật cười, chỉ đáp: “Đi đi, lần sau nhớ cẩn thận hơn.”

Đứa trẻ gật đầu thật mạnh, mang theo niềm vui khôn xiết chạy đi mất.

Trong y quán chỉ còn lại Chu Mãn, nam tử trẻ tuổi và tiểu dược đồng đang giã thuốc trước tủ thuốc.

Chu Mãn thầm nghĩ, cái danh “Vương Bồ Tát” này… nghe thế nào cũng có phần kỳ quặc.

Nam tử trẻ tuổi kia biết rằng mọi chuyện ban nãy nàng đều đã thấy, liền hơi ngại ngùng: “Chỉ là chút tài mọn, tại hạ tu vi nông cạn, khiến cô nương chê cười rồi.”

Chu Mãn hiểu rõ hắn vừa rồi chỉ là vận linh khí, trị thương cho con chim nhỏ, pháp thuật tuy đơn sơ nhưng cũng không lấy làm lạ.

Nàng liền hỏi: “Ngài là đại phu ở đây?”

Đối phương khẽ gật đầu: “Đúng vậy. Cô nương là tới xem bệnh hay lấy thuốc?”

Chu Mãn không vòng vo: “Bị thương do đao, muốn kê ít thuốc cầm máu, mọc da nhanh, loại hiệu nghiệm ấy.”

Nam tử nọ nhìn về phía cánh tay trái nàng. Máu đã sớm thấm đỏ nửa ống tay áo.

Hắn nhíu mày theo bản năng, giống như muốn hỏi gì đó, nhưng thấy sắc mặt Chu Mãn không hề muốn giải thích, nên lại nuốt lời định nói xuống, chỉ nói: “Phiền cô nương đợi một lát, ta kê đơn.”

Bên cạnh đã có sẵn giấy bút, một cây bút lông dê bình thường, kèm xấp giấy bản xứ màu vàng nhạt, dày mỏng không đều, nhìn chẳng phải loại tốt, bên trên còn đè một miếng lệnh bài sắt đen.

Chu Mãn liếc mắt liền nhận ra.

Nàng nhớ Kim Bất Hoán cũng có một tấm giống vậy, vẫn hay đeo cùng với cây bút trúc đen cũ kỹ và bàn tính vàng đỏ bên hông. Chỉ là vị đại phu gầy gò trước mặt đây, dường như chỉ dùng nó làm vật đè giấy.

Hắn chấm mực viết đơn, hiển nhiên đã quen thuộc với các vị thuốc cần dùng, hạ bút chẳng chút do dự.

Chỉ thỉnh thoảng ho nhẹ một tiếng, có vẻ thân thể thực sự mang bệnh.

Không bao lâu sau đã viết xong đơn thuốc, hắn gọi tiểu dược đồng đang giã thuốc lại, dặn: “Bốc thuốc theo đơn, ba thang là đủ, không cần thêm.”

Tiểu dược đồng nhận lấy đơn, vâng một tiếng, rồi vẫy tay ra hiệu cho Chu Mãn sang bên phải chờ, bản thân thì bắt đầu lấy thuốc.

Chỉ là lúc lấy tới một vị thuốc, tiểu dược đồng lẩm bẩm một câu: “Không phải vết thương do đao sao?”

Chu Mãn lập tức ngẩng đầu.

Tiểu dược đồng lại không để ý, tuy không hiểu rõ nhưng vẫn kéo ngăn tủ thuốc ra, lấy từ ô ghi “Thiên cam thảo” ra vị thuốc cuối cùng, gom cùng các vị khác, bọc lại thành gói thuốc.

Hắn đem thuốc và đơn giao cho Chu Mãn, chỉ nói: “Thuốc ngoài dùng ngày ba lần, thuốc thang ngày sắc một lần.”

Chu Mãn nói: “Đa tạ.”

Nàng trả tiền, xách thuốc, cầm đơn rời khỏi y quán.

Chỉ là khi bước trên con đường gạch lợp ngói ở phố Nê Bàn một đoạn, nàng vẫn cảm thấy có gì đó không ổn.

Chu Mãn cầm đơn thuốc lên xem kỹ.

Chữ viết trên mặt giấy vô cùng đẹp mắt, nét bút thanh tú, lạnh lẽo, mang theo cảm giác tiêu điều gập ghềnh, tựa sương phủ rừng thu. Cuối tờ đơn để lại hai chữ “Vương Thứ”, hẳn là tên của vị đại phu trẻ khi nãy. Đây vốn là quy tắc phòng khi sau này có chuyện gì xảy ra thì còn có chứng cứ đối chiếu.

Nhưng ánh mắt của Chu Mãn không dừng lại trên cái tên ấy, mà là rơi vào vị thuốc ghi ở hàng thứ ba — Thiên cam thảo.

Lúc này trên phố đã chẳng còn mấy người, Chu Mãn lại đi thêm một đoạn mới thấy một người bán đan dược đang thu dọn sạp ở ven đường.

Nàng khẽ động tâm, bước lên hỏi: “Ở đây có bán thảo dược không?” 

Người bán hỏi lại: “Cô nương cần thuốc gì?”

Chu Mãn liền nói: “Trị thương do dao chém, ta muốn mua ít thiên cam thảo.”

Chủ sạp liền bật cười: “Trị đao thương chỉ cần cam thảo là đủ rồi, dùng thiên cam thảo làm gì? Thiên cam thảo hiệu lực mạnh hơn cam thảo nhiều, thường chỉ dùng cho thương tích do vật nhọn hoặc vết thương quá sâu thôi, ví như trúng tên chẳng hạn…”

Nghe đến hai chữ “trúng tên”, mí mắt Chu Mãn khẽ giật một cái, chỉ là vẻ mặt vẫn như thường, lộ ra một chút áy náy: “Xin lỗi, ta nhầm rồi.”

Chủ sạp chỉ lắc đầu: “Không sao.” Hắn ta thu dọn mớ đan dược trên sạp, vác hòm thuốc rời đi.

Chu Mãn đứng yên tại chỗ, lại rút đơn thuốc ra nhìn thêm lần nữa, ánh mắt dần trở nên lạnh lẽo.

Vị đại phu kia, biết rõ nàng là bị thương do tên bắn!

Hắn là người của Bệnh Mai Quán, mà Bệnh Mai Quán nằm trên phố Nê Bàn. Phố Nê Bàn do Kim Bất Hoán quản lý. Kim Bất Hoán lại kết giao với các thế gia…

Trong đầu, từng mối liên hệ dần rõ rệt, như mạng nhện tơ tằm, giăng kín trước mắt nàng.

Nàng quay đầu nhìn về phía y quán xa xa còn treo hồ lô thuốc, ánh mắt không mang chút cảm xúc, từ tốn vò nát đơn thuốc trong tay, rồi xách gói thuốc quay lại ngôi miếu đổ nát ngoài thành.

Từ xà nhà rút xuống bộ cung tên nàng đã giấu kỹ từ trước, khoác lại chiếc áo choàng, che mặt bằng khăn, sau đó quay trở lại phố Nê Bàn.

Lúc này, trời đã vào đêm khuya, y quán không còn bệnh nhân tới khám, chuẩn bị đóng cửa.

Xung quanh yên ắng đến mức có thể nghe thấy tiếng gió lướt qua mái ngói. Chỉ còn tiểu dược đồng ở cửa đang sắc thuốc.

Vương Thứ từ trong quán đi ra, vừa lúc thấy tiểu dược đồng dùng một mảnh vải lót tay định mở nắp siêu thuốc ra xem, ai ngờ tay chân lóng ngóng, không cẩn thận làm nắp siêu trượt xuống, chỉ còn chờ rơi vỡ tan tành dưới đất.

Tiểu dược đồng suýt chút nữa thì thét lên.

May thay, một bàn tay gầy guộc bên cạnh đã kịp thời vươn ra, vững vàng bắt lấy nắp siêu đang rơi.

Tiểu dược đồng ngẩng đầu, mới thấy là Vương Thứ: “Vương đại phu!”

Vương Thứ lại nhẹ nhàng ho khẽ một tiếng, đặt nắp siêu sang bên cạnh.

Tiểu dược đồng còn phải dùng vải lót tay mới dám chạm vào, đủ thấy cái nắp nóng đến cỡ nào, vậy mà hắn lại dùng tay trần, đầu ngón tay đã ửng đỏ cả lên, nhưng chỉ khẽ nhíu mày, dường như không cảm thấy đau lắm, chỉ nói: “Đừng vội, cẩn thận một chút. Có rơi vỡ cũng không sao, nhưng đừng để bị bỏng.”

Tiểu dược vừa thẹn vừa áy náy.

Vương Thứ lại quay đầu nhìn về phía hiên nhà, nơi thường có mấy tên ăn mày bệnh tật nằm nghỉ. Không biết từ lúc nào, trong đó đã trống mất một chiếc chiếu tre, hết sức chói mắt.

Hắn sững lại, hỏi: “Người thổi tiêu đâu rồi?”

Tiểu dược đồng ngẩng đầu nhìn hắn, khẽ đáp: “Đã khiêng đi rồi.”

Một khoảng lặng nặng nề bao trùm.

Vương Thứ đứng bất động hồi lâu, rồi quay người đi vào trong y quán.

Tiểu dược đồng vội nói: “Tối nay có mưa, ngài mang theo ô đi.”

Vương Thứ không trả lời, nhưng chốc lát sau đã từ trong bước ra, kẹp dưới tay một chiếc ô giấy dầu đã xếp lại.

Hắn xách theo một chiếc đèn lồng, chỉ nói: “Ta ra ngoài xem một chút, lát nữa về.”

Tiểu dược đồng nhìn hắn bước xuống bậc thềm, bất giác thấy lòng chùng xuống: “Bồ Tát bằng đất qua sông, thế mà vẫn lo cho người khác…”

Chu Mãn ẩn trong bóng tối, lặng lẽ nhìn người kia rời khỏi y quán, men theo con phố vắng tanh lạnh lẽo của Nê Bàn, bước về phía xa xăm. Mày nàng dần chau lại.

Đêm khuya như thế này, hắn định đi đâu?

Nhưng rồi nàng lại nghĩ, bất kể người kia định đi đâu, trong đêm khuya thế này, một mình bước đi trên đường, nếu thực sự có dị động gì, nàng ra tay cũng dễ như trở bàn tay.

Vương Thứ đi phía trước. Chu Mãn âm thầm bám theo phía sau.

Con phố dài tĩnh mịch, bốn phía đèn đã tắt, bóng dáng gầy gò, tiêu điều của người kia lặng lẽ bước đi trong màn đêm dày đặc. Đèn lồng trong tay hắn không đủ sáng, chỉ chiếu được một khoảng nhỏ trước mắt, trông như bất cứ lúc nào cũng có thể bị bóng tối nuốt trọn.

Người này quả nhiên tu vi rất kém, hoàn toàn không hề phát giác có người bám theo phía sau.

Hắn đi qua hết con phố, rẽ phải.

Phía đó là một tòa nhà mục nát từ lâu, đèn lồng giấy trắng treo ngoài cửa đã rách toạc, vương đầy mạng nhện, nghiêng nghiêng bên khung cửa, biển hiệu bên trên cũng như sắp rơi. Vậy mà nơi đó lại là một nghĩa trang.

Chu Mãn thoáng sửng sốt.

Vương Thứ đã xách đèn lồng, chẳng chút do dự bước vào bên trong.

Nàng nhíu mày, do dự một thoáng rồi vẫn theo vào, ẩn mình trong bóng tối sau một ô cửa sổ vỡ. Đồng thời, nàng nâng cung lên, rút một mũi tên, gác lên dây cung, chưa vội ra tay, chỉ định quan sát xem người này rốt cuộc là ai.

Bên trong nghĩa trang đặt mấy cỗ quan tài mới, nhưng đều là loại quan tài gỗ mỏng rẻ tiền, nhiều người chết hơn nữa chỉ được quấn bằng chiếu rơm, tiện tay đặt xuống đất.

Chỉ có một góc khuất là khác biệt.

Một lão nhân khô gầy bệnh tật nằm đó, thân chỉ khoác hai lớp vải gai rách nát, thắt lưng treo một chiếc tiêu bằng đất, đang nằm trên một tấm chiếu, mắt nhắm nghiền nhưng ngực vẫn còn phập phồng, hơi thở đã mong manh.

— Lão đang đợi chết.

Vương Thứ không hề phát hiện chút nguy cơ nào ngoài cửa sổ, bước đến gần, nhìn một lúc rồi đặt đèn lồng xuống, khom người ngồi xuống.

Lão nhân cuối cùng cũng chậm rãi mở mắt, khi thấy hắn, lại duỗi ra bàn tay khô cằn như cành củi.

Động tác ấy, rõ ràng là đang cầu cứu.

Vương Thứ cúi đầu, để ông nắm lấy tay mình, yết hầu khẽ nghẹn lại, chua xót nói: “Lỗi là tại tại hạ… y thuật nông cạn, tu vi kém cỏi, xưa nay chẳng ra gì. Đã không cứu nổi chính mình, lại càng không cứu nổi người khác…”

Giọng hắn vốn trong trẻo, nay lại nhuốm đầy đắng cay. Đến câu cuối, âm thanh nhẹ hẫng như bụi mờ trong không khí, chỉ một làn gió thoảng cũng đủ thổi tan.

Chu Mãn thoáng sững sờ.

Ánh đèn lồng dưới đất, chiếu lên thân hình gầy gò của vị đại phu trẻ kia, in bóng hắn lên tường thành một cái bóng lớn nặng nề, như đang đè ép lên chính hắn.

Nàng nhìn thật lâu, rốt cuộc buông lỏng ngón tay, nhẹ nhàng hạ cung tên xuống.

Trong nghĩa trang tiêu điều, lão nhân đang hấp hối lại chậm rãi lắc đầu, rồi nâng bàn tay gầy guộc chỉ về thắt lưng mình.

Vương Thứ nhìn theo — là chiếc tiêu bằng đất kia.

Bề mặt thô ráp của nó sẫm màu, không hề bóng bẩy, lại như càng thêm nét cũ kỹ phong trần sau bao năm theo chủ nhân rong ruổi ở phố Nê Bàn, vừa đi vừa thổi khúc.

Chu Mãn đã từ bỏ ý định lúc đầu, thu lại cung tên, xoay người định rời đi.

Nhưng ngay lúc đó, phía sau chợt vang lên tiếng tiêu đất.

Ban đầu chỉ là hai âm rời rạc, sau đó những nốt nhạc vụn vỡ dần nối liền thành khúc, xuyên qua khung cửa thủng, vang ra ngoài.

Chân nàng lập tức khựng lại.

Âm thanh của tiêu, trầm đục mà kéo dài, như hòa lẫn với cơn gió đêm đột nhiên nổi lên bên ngoài, lúc cao lúc thấp, khiến người ta liên tưởng đến cảnh hoa tàn, lá rụng, xuân tằm chết…

Nhân thế thê lương, biết bao khổ đau chẳng thể giãi bày?

Trong lòng Chu Mãn cuộn trào, chớp mắt một cái, cuối cùng không nhịn được mà quay đầu nhìn lại.

Sau lưng là bụi cỏ hoang, trên đầu là mảnh trăng khuyết.

Bóng dáng gầy guộc kia của “Vương Bồ Tát”, hiện rõ trên nền giấy cửa rách nát.

Thổi đất thành tiêu, gọi là Khôn âm.

Khúc nhạc dần dần kết thúc, lão nhân gầy còm đã khép mắt từ lúc nào, nơi khóe môi như còn đọng nụ cười.

Vương Thứ nâng chiếc địch trong tay, nhẹ nhàng đặt xuống, rồi cúi người lấy đĩa lửa trong đèn lồng, bước đến trước bàn thờ, châm lên ngọn đèn trường minh.

Bên trên thờ thần Phật Bồ Tát, tượng vàng sớm đã bong tróc.

Hắn đứng trước ánh đèn, ngẩng đầu nhìn lên những khuôn mặt đã mờ nhòe của các tượng thần.

Mãi đến khi cơn gió thổi qua khe cửa, làm lớp giấy mục phát ra tiếng xào xạc, hắn mới lại xách đèn lồng lên, đi ra ngoài.

Trên bậc đá phủ bụi bên ngoài nghĩa trang, không biết từ lúc nào, đã có một giọt nước rơi xuống.

Vương Thứ thấy vậy, bèn nghĩ: Sắp mưa rồi chăng?

Hắn ngẩng đầu nhìn lên bầu trời.

Quả nhiên, gió cuốn mây về, che lấp trăng khuyết, chẳng bao lâu liền đổ xuống cơn mưa rả rích, bao phủ cả con phố Nê Bàn trong làn sương mờ mịt.

Bên trong nghĩa trang, ánh sáng yếu ớt của đèn trường minh phản chiếu phía sau hắn.

Nê Bồ Tát mở ô, xách đèn, đi vào cơn mưa.

***

Tinh Nguyệt: Cảm giác đại thần đặt tên rất tùy tiện: Chu Mãn, Vương Thứ, Vương Sát…

Tiện đây nói một chút về phong cách chuyển ngữ của ta. Mỗi người có một phong cách khác nhau. Bản thân ta đọc truyện rất nhiều và phần lớn là truyện convert nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những từ Hán Việt, do đó trong bài có thể có nhiều từ hán việt. Ta cũng rất ít khi để chú thích trong bản chuyển ngữ của mình vì không muốn làm xao nhãng mạch truyện. 

Cũng vì muốn giữ nguyên văn phong gốc của tác giả nên ta không sử dụng nhiều từ thuần việt và các ngôi xưng cũng chỉ sử dụng những ngôi cơ bản nhất như: ta – ngươi, ta – nàng, hắn… Bản thân những bộ truyện ta chuyển ngữ cũng phần lớn là cổ đại, đôi khi là các đề tài như tu tiên, huyền học… sẽ có những từ ngữ hơi “chuyên môn” nên chỗ nào khó hiểu hoặc chưa đúng ý rất mong mọi người để lại lời nhắn để ta có thể chỉnh sửa kịp thời.

Rất mong được mọi người đón nhận và ủng hộ!!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *