Chương 117
***
Tiểu Cát Tường thấy công chúa cười thì mới yên tâm.
Doanh Đông Quân cầm ngọc bài trong tay, nghiêm túc suy đoán câu đố.
Có lẽ vì đây là câu đố cuối cùng mà Thẩm hoàng hậu để lại, so với những câu đố mà bà từng ra cho nàng thuở bé, lần này độ khó cao hơn rất nhiều. Cho đến khi buồn ngủ gật gù, bị Tiểu Cát Tường ép đi nghỉ ngơi, Doanh Đông Quân vẫn chưa nghĩ ra được đáp án.
Hôm sau, nàng dậy từ rất sớm, tiếp tục nghiền ngẫm câu đố chưa có lời giải. Thêm một ngày trôi qua, công chúa vẫn chưa tìm được đáp án.
Bản tính không chịu thua của nàng bộc lộ rõ ràng, nàng gác lại mọi chuyện khác, một lòng một dạ ở trong thư phòng suy nghĩ.
Có khi nàng còn lật sách tra cứu, xem có điển cố nào liên quan đến miếng ngọc trắng hình vuông kia mà mình đã bỏ sót hay không.
Mỗi lần nhìn thấy công chúa ngoan ngoãn ngồi đọc sách trong thư phòng, Tiểu Cát Tường không khỏi hoài nghi: Liệu có phải năm xưa hoàng hậu nương nương thường xuyên chơi trò đoán đố với công chúa là vì công chúa quá nghịch ngợm, chỉ có cách này mới khiến nàng chịu ngồi yên đọc sách, không chạy ra ngoài gây họa hay không?
Trong khi công chúa chỉ tập trung đoán câu đố, hoàn toàn không quan tâm chuyện bên ngoài, thì bên ngoài lại vô cùng náo nhiệt.
Ngày đó, tại Vạn Niên thư viện, Ngu Thuấn Thần dùng học vấn uyên bác của mình để phản bác những lời nghi vấn từ Minh Đức thư viện. Chuyện này nhanh chóng lan truyền trong giới sĩ tử, ngay cả những người không ở kinh thành cũng không khỏi ngưỡng mộ khi nghe bằng hữu trong kinh thuật lại sinh động như thật.
Còn ở kinh thành, những học sinh xuất thân bần hàn không thể vào Vạn Niên thư viện đã cùng nhau viết một bức thỉnh nguyện thư gửi Ngu Thuấn Thần, mong rằng đại nhân có thể tạo cơ hội để tất cả sĩ tử nghèo trên thiên hạ cũng được xem bia đá ghi chép kinh điển.
Bức thư thỉnh cầu dài hơn mười trang, từng câu chữ đều thể hiện khát vọng tha thiết và chân thành của các học sinh đối với tri thức.
Ngu Thuấn Thần đọc xong thì không khỏi xúc động, lập tức đến bàn bạc với Tôn viện trưởng của Vạn Niên thư viện.
Cuối cùng, Tôn viện trưởng quyết định rằng từ nay về sau, Văn Kinh các của Vạn Niên thư viện sẽ mở cửa ba ngày đầu mỗi tháng, cho phép cả những học sinh không thuộc Vạn Niên và Minh Đức thư viện vào đọc sách, nhưng cần có thư tiến cử của sư trưởng tại thư viện địa phương.
Tin tức này vừa lan ra, sĩ tử khắp nơi đều mừng rỡ như điên, hối hả truyền tin cho nhau.
Uy vọng của Ngu Thuấn Thần trong giới học trò xuất thân bần hàn lại càng tăng cao.
Minh Đức thư viện dĩ nhiên không muốn thấy tình cảnh này. Nhiều người cố gắng tra cứu điển tịch, mong tìm ra sơ hở trên tấm bia đá để chứng minh nó là giả tạo.
Thế nhưng, những điểm đáng ngờ mà họ nghĩ ra, khi đem đối chất với Ngu Thuấn Thần, đều bị hắn dùng điển cố bác bỏ từng cái một. Hoặc đôi khi, hắn chỉ cần đặt một câu hỏi ngược lại đã khiến đối phương á khẩu, xấu hổ đến mức muốn về đóng cửa đọc sách ba mươi năm rồi mới quay lại tranh luận.
Không ai có thể uyên bác hơn Ngu đại nhân.
Những công tử thế gia của Minh Đức thư viện lần lượt bại trận, không những không đạt được mục đích mà ngược lại, còn khiến danh tiếng của bia đá Vạn Niên thư viện ngày càng vang xa.
Ngày càng nhiều sĩ tử kéo nhau lên kinh thành, chỉ mong có cơ hội vào Vạn Niên thư viện để tận mắt chứng kiến.
Mặt khác, trong khi Minh Đức thư viện tìm cách gây khó dễ cho Ngu Thuấn Thần, chính bọn họ cũng vướng phải rắc rối.
Những lời nói của Ngu Thuấn Thần tại Vạn Niên thư viện lần trước đã khiến một số học sinh có tư duy sâu sắc nảy sinh hứng thú, bắt đầu đào sâu nghiên cứu về tổ tiên của Lý gia, Lê Tây tiên sinh.
Lê Tây tiên sinh là một danh sư trứ danh, giới học thuật biết khá nhiều về cuộc đời ông. Tuy nhiên, những điều họ biết hầu hết đều đến từ sách vở và bài viết của ông để lại…
Hiện tại, giới sĩ tử bắt chước Ngu đại nhân, bắt đầu chuyển sự chú ý sang các bài viết của những người cùng thời với Lê Tây tiên sinh.
Họ tìm đọc các huyện chí, bút ký, du ký của cả danh sĩ lẫn người vô danh, thậm chí còn quan tâm đến những cuốn tạp học mà trước đây chưa từng để mắt tới.
Càng đọc, bọn họ càng phát hiện ra nhiều vấn đề đáng ngờ.
Ví dụ, có một học sinh, tổ tiên từng làm thư lại ở nha môn Võ Châu, không biết bằng cách nào đã sao chép được một văn thư quan phủ hơn trăm năm trước. Trong đó có một vụ kiện: Một phu tử họ Lý bị tố cáo đã đạo văn của học trò để tự nâng cao danh tiếng. Học trò nọ sau khi biết được sự thật, vì quá đau lòng mà treo cổ tự vẫn.
Phụ thân của học trò ấy trong cơn phẫn nộ đã khởi kiện lên quan phủ. Tuy nhiên, do nhi tử đã qua đời, lại không có đủ chứng cứ để chứng minh bài văn thực sự do con mình sáng tác, nên cuối cùng, ông bị quy kết là vu cáo.
Không chỉ có vậy, còn có người tìm thấy một bài văn của một người họ Chu, cũng là người cùng thời với Lê Tây tiên sinh.
Bài văn này châm biếm một nhân vật họ Lý, người được ca tụng là đức cao vọng trọng, rằng người này khi còn trẻ thì tài năng bình thường, nhưng đến tuổi già lại đột nhiên nổi danh thiên hạ. Thiên hạ vẫn nói người này “hậu tích bạc phát” (tích lũy lâu ngày, một sớm tỏa sáng), nhưng thực ra là càng già càng trơ trẽn, quen thói đạo văn mà thôi.
Văn sĩ họ Chu này danh tiếng không tốt, về sau còn bị vướng vào một vụ án, kết cục thê thảm, cho nên bài viết của ông ta, bất kể lúc bấy giờ hay về sau, đều không được nhiều người quan tâm.
Nhưng hai sự kiện này lại có nhiều điểm trùng khớp với cuộc đời Lê Tây tiên sinh, khiến ngày càng nhiều người nghi ngờ vị tổ tiên của Lý gia.
Lại có người nhắc đến một chuyện: Đã từng có người nói, những bài văn nổi tiếng nhất của Lê Tây tiên sinh đều được viết trong cùng một khoảng thời gian ngắn. Trước thời điểm đó và sau đó, các tác phẩm của ông ta đều rất tầm thường. Giờ nhìn lại, điều này rõ ràng có điều bất thường.
Số người nghi ngờ càng nhiều, càng có thêm nhiều bằng chứng được tìm ra, cho thấy có lẽ nhân cách thực sự của Lê Tây tiên sinh khác xa những gì thể hiện qua văn chương của ông ta.
Ngay khi Lý gia nghe thấy những lời đàm tiếu này, bọn họ đã cố gắng ngăn chặn. Nhưng số lượng sĩ tử đổ về kinh thành ngày một đông do sự kiện bia đá ở Vạn Niên thư viện, những nghi vấn này cũng lan rộng hơn. Đỉnh điểm là khi có một số sĩ tử công khai đốt sách của Lê Tây tiên sinh ngay giữa phố.
Uy tín của Lý gia chịu đả kích chưa từng có.
Lý gia dâng tấu lên triều đình, buộc tội Ngu Thuấn Thần bôi nhọ danh tiếng bậc tiên hiền. Nhưng Ngu Thuấn Thần chưa từng phát ngôn bất kính về Lê Tây tiên sinh ở bất kỳ nơi công khai nào, tất cả đều là hành động tự phát của sĩ tử, không hề liên quan đến hắn. Ngược lại, hắn đã nhiều lần lên tiếng khuyên răn những kẻ có lời lẽ quá khích.
Hiện tại, Ngự Sử đài đã không còn là nơi mà Lý gia có thể một tay che trời. Hơn nữa, lần này Tiêu gia không đứng về phía bọn họ, nên bọn họ cũng không thể làm gì Ngu Thuấn Thần, chỉ có thể âm thầm ghi hận.
Hôm sau, lên triều, Lý gia đổi hướng tấn công, đề nghị triều đình ra lệnh tiêu hủy những cuốn sách giả mạo ở Vạn Niên thư viện, đồng thời bắt giam những kẻ cầm đầu xúc phạm tổ tiên Lý gia.
Lần này, Tiêu thái hậu không trực tiếp bác bỏ, còn trong triều thì các đại thần có thái độ khác nhau.
Một số quan viên xuất thân thế gia đồng tình với việc thu hồi bia đá của Vạn Niên thư viện để tránh gây náo loạn. Một số gia tộc hạng hai, hạng ba thì giữ thái độ mập mờ, chưa tỏ rõ lập trường. Còn các quan viên xuất thân từ giới bình dân lại kiên quyết phản đối.
Cuộc tranh cãi kéo dài nhưng không đi đến kết luận, đành phải bãi triều, để sang hôm sau tiếp tục nghị luận.
Đúng lúc này, Lý gia nhận được tin: Lại có người công khai chỉ trích Lê Tây tiên sinh giữa chợ. Lý Xương Phụ lập tức điều một đội binh từ Phi Kỵ vệ, bắt giữ mấy sĩ tử cầm đầu và giam vào Đại Lý tự.
***